Cho con uống sữa công thức, một trong những tiêu chí mẹ cần đánh giá là con mình có hợp với loại sữa đã chọn hay không.
Vậy làm sao để biết bé không hợp sữa, và nếu bé không hợp thì thay đổi thế nào? Mẹ có thể tham khảo những kiến thức qua bài viết sau

Nội dung chính
1. Nguyên nhân khiến bé không hợp sữa?
Theo một nghiên cứu gần đây, có đến 50 – 60% trẻ em Việt Nam đã từng gặp tình trạng không hợp sữa mức độ từ nhẹ đến vừa.
Nguyên nhân được đưa ra thì có thể liệt kê như:
- Sữa được chọn chưa phù hợp thực sự với thể trạng của bé: sử dụng lâu dài dẫn đến thiếu hụt một hoặc vài chất nào đó, cơ thê của bé sẽ xuất hiện dấu hiệu cảnh báo
- Mức độ hấp thụ của trẻ đối với sữa không tương thích: thành phần dinh dưỡng của sữa rất ổn, nhưng mức độ hấp thu ở trẻ lại không đạt được hết
- Hương vị của sữa không khiến trẻ yêu thích: điều này hay gặp ở trẻ mới chuyển từ sữa mẹ sang, nếu vị giác và khứu giác nhạy, bé sẽ không thích sữa công thức có vị ngọt đậm và mùi quá thơm
2. Những dấu hiệu làm sao để biết bé không hợp sữa?
2.1. Bé từ chối sữa:
Mức độ nhẹ nhất của không hợp sữa là đây.
Bé có thể không uống từ khi đưa bình đến gần hoặc khi uống thử một vài ngụm.
Mẹ cũng cần phân biệt dấu hiệu này với việc bé chưa tập bú bình hoặc bình sữa chưa tương thích.

Ở một vài bé, dấu hiệu này lại thể hiện bằng cách: lượng ăn của bé càng ngày càng giảm.
Nhiều mẹ không nhận ra mà chỉ cho rằng con đến thời kỳ biếng ăn sinh lý.
Mẹ cần theo dõi kỹ hơn và đưa ra đánh giá riêng.
2.2. Nôn trớ:
Dấu hiệu này càng khó phân biệt hơn ở bé có tiền sử bệnh đường ruột.
Tuy nhiên nếu ở bé sức khỏe bình thường, nếu tần suất nôn trớ chỉ 1 vài cữ 1 tuần, hoặc do nguyên nhân khác như ăn xong bé vận động mạnh hay ăn quá no… thì mẹ không cần quá lo lắng.
Còn nếu việc nôn lặp đi lặp lại, thời gian có khi cách cữ ăn cả tiếng.
Nôn trớ kèm theo cặn sữa, cặn thức ăn chứng tỏ sữa không tiêu và khiến bé khó chịu
2.3. Đầy bụng kèm xì hơi nhiều:
Ở trẻ nhỏ, việc bụng trẻ phình to sau ăn là khá bình thường.
Nhưng nếu mẹ sờ bụng con thấy cứng, áp dụng các biện pháp như xoa bụng hoặc làm động tác đạp xe mà cũng không đỡ.
Việc xì hơi diễn ra với nhiều lần trong ngày, có thể kèm theo việc đi ngoài lượng ít.
Ngoài ra có bé bị đau bụng ngay sau khi uống sữa, mẹ cần dừng cho con uống ngay.
2.4. Quấy, khóc nhiều
Ở những trẻ chưa biết nói, những khó chịu sẽ làm trẻ khóc.
Có trẻ quấy nhiều vào ban ngày, khóc to gần với cữ ăn mà không có nguyên nhân gì cả.
Có trẻ ngược lại, ngủ không sâu giấc ban đêm, hay giật mình thức giấc.
Khi rơi vào các trường hợp trên, nếu mẹ kiểm tra không còn nguyên nhân nào khác khiến con quấy khóc thì có thể nghĩ đến sữa.
2.5. Nổi mẩn đỏ, phát ban
Nổi mẩn do sữa hay do dị ứng với các lý do khác thực sự rất khó phân biệt.
Vậy nên rất cần mẹ để ý và có linh cảm tốt về sức khỏe của con.
Bởi nổi phát ban, nhìn thì đơn giản, nhưng lại là một trong những dấu hiệu cảnh báo dị ứng sữa – có thể dẫn đến sốc phản vệ.

Tuy hiếm gặp, nhưng diễn biến này cực nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của con nên mẹ chớ xem thường.
Tốt nhất với những bé có tiền sử dị ứng phức tạp, mẹ nên chọn sữa cho con dưới sự tư vấn của bác sĩ nhi khoa để an toàn hơn.
Bằng những dấu hiệu cơ bản phía trên, mong mẹ sẽ có cách nhận ra “làm sao để biết bé không hợp sữa”.
Đừng cố ép con với một loại sữa mà con không hợp, tìm loại khác và đổi cho bé, mẹ nhé!
Trả lời