Nếu bạn đang băn khoăn trong vấn đề “nên dùng túi trữ sữa hay bình trữ sữa” thì lời đầu tiên xin chúc mừng bạn sắp hoặc đang thực hiện “sự nghiệp bò sữa” đầy gian nan nhưng cũng xứng đáng để có nguồn sữa mẹ lâu dài cho con yêu.
Tiếp theo, mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm trong việc chọn dụng cụ để trữ sữa – sao cho sữa mẹ không bị mất chất mà lại tiện lợi trong quá trình hâm nóng.

Nội dung chính
1. Tại sao phải sử dụng túi trữ sữa và bình trữ sữa?
Chắc hẳn khi bạn xác định nuôi con bằng sữa mẹ và có ý định vắt sữa ra để trữ, sẽ vấp phải những thắc mắc như “sao không cho ti trực tiếp, vừa nhàn mà lại tình cảm” hay “vắt ra rồi trữ vậy có làm giảm chất lượng sữa không, sợ bé uống vào có sao không?”.
Có trường hợp người mẹ còn bị áp lực phản đối dữ dội từ gia đình.
Thế nhưng, đừng nản, theo các nghiên cứu khoa học chính thống, sữa mẹ nếu lưu trữ đúng cách chắc chắn sẽ đảm bảo các dưỡng chất, không thay đổi thành phần và gần như giữ nguyên mùi vị như khi bé ti trực tiếp. Đây là lý do chính mà túi trữ sữa và bình trữ sữa ra đời.
Ngoài ra, việc trữ sữa vào các dụng cụ riêng sẽ giúp:
- Đảm bảo vệ sinh
- Tiện lợi trong quá trình sử dụng
- Tích trữ được lượng sữa cần thiết trong các trường hợp mẹ mất sữa sớm hoặc bé không thể ti trực tiếp
- Khi mẹ không có mặt thì người thân khác vẫn có thể cho bé ăn
- Duy trì cho bé lượng sữa mẹ đủ dùng toàn bộ trong 6 tháng đầu đời và duy trì đến 24 tháng hoặc hơn – theo khuyến cáo của WHO
- Hạn chế phải sử dụng sữa bột, tiết kiệm chi phí nuôi con
2. Ưu điểm của túi trữ sữa
Túi trữ sữa thường được thiết kế dưới dạng túi zip đã được tiệt trùng sẵn, bên trên có in vạch chia thể tích.
Cách sử dụng thì siêu đơn giản, mẹ chỉ cần cho sữa đã vắt vào, đuổi hết khí thừa bên trong ra, kéo kín miệng khóa zip, ghi chú ngày giờ vắt lên túi và cho vào tủ lạnh để trữ thôi.

Sử dụng túi trữ sữa thì có khá nhiều lợi thế như:
- Giá thành rẻ hơn so với dụng cụ trữ sữa khác
- Kích thước gọn nhẹ, dễ mang đi lại
- Khi trữ sữa trong tủ đông thì không mất quá nhiều diện tích
- Mẹ dễ dàng theo dõi được thể tích sữa mình vắt ra, kiểm soát được thời hạn sử dụng sữa
- Phù hợp khi tích trữ lượng sữa lớn và trong thời gian dài
- Hợp lý khi tiến hành cho hoặc trao tặng sữa mẹ cho bé khác
3. Ưu điểm của bình trữ sữa
Chất liệu của bình trữ sữa thường là nhựa cao cấp không chứa BPA an toàn cho bé, có nhiều loại thể tích khác nhau, hình dáng cứng cáp.
Hầu hết các bình trữ sữa đều có thể lắp trực tiếp vào máy vắt sữa nên rất tiện lợi, sau khi vắt sữa, bạn chỉ cần đóng chặt nắp và bỏ vào tủ lạnh là được.

Và đương nhiên là khi dùng bình trữ sữa, bạn dễ dàng nhận thấy hàng loạt ưu thế:
- Chất liệu thân thiện, có thể tiếp tục tái sử dụng nếu tiệt trùng đúng cách
- Không sợ bị đổ hay rỉ sữa ra tủ
- Đảm bảo độ kín tuyệt đối, tránh sữa bị nhiễm khuẩn
- Phù hợp tích trữ lượng sữa nhỏ, dùng ngay trong ngày
- Hâm nóng sữa nhanh, chỉ cần cho bình vào máy hâm, đủ ấm thì nắp vòi ti là cho bé bú được
- Dễ dàng sử dụng, kể cả với người lớn tuổi
4. Lời khuyên nào cho việc “nên dùng túi trữ sữa hay bình trữ sữa”?
Sau khi tham khảo xong các thông tin cơ bản về túi trữ sữa và bình trữ sữa, không biết mẹ đã có câu trả lời cho thắc mắc nên dùng dụng cụ nào để trữ hay chưa?
Còn với kinh nghiệm của mình – người đã từng 2 lần làm “bò sữa” cho 2 nhóc tì xinh xinh – thì mình chân thành khuyên bạn nên kết hợp cả hai để có thể phát huy ưu điểm và hạn chế đi nhược điểm của mỗi loại.
Cụ thể thì bạn có thể tham khảo cách sau:
- Tiến hành mua khoảng 4 bình trữ sữa và 2 – 3 hộp túi trữ sữa
- Bình trữ sữa sẽ dùng để đựng sữa lúc vắt. Sau đó, bạn căn cứ trên lượng ăn của con mỗi cữ để chia lại lượng phù hợp, đem trữ mát. Phần còn lại thì cho vào túi trữ sữa để trữ đông.
- Nếu lượng sữa còn lại chưa đủ đóng một túi thì bạn có thể dồn nhiều cữ vào một bình, miễn là vắt trong ngày, bảo quản ngăn mát. Đến cuối ngày thì đóng túi, ghi lại ngày vắt và chuyển ngăn đông.
- Trong ngày, vào những cữ cho con ăn bình, bạn chỉ cần đem bình trữ sữa đi hâm nóng là được.
- Còn lượng sữa trữ đông, bạn tiến hành cho con ăn gối bữa hoặc bổ sung khi bản thân thiếu sữa.
- Bình trữ sữa phải được tiệt trùng sạch mỗi ngày hoặc sau mỗi cữ ăn để đảm bảo vô khuẩn. Túi trữ sữa có thể tiếp tục mua thêm khi sử dụng hết.
>> Xem thêm:
Vậy là mẹ đã được chia sẻ kinh nghiệm “nên dùng túi trữ sữa hay bình trữ sữa” rồi nha!
Cuối cùng thì lựa chọn bình hay túi trữ sữa, cũng như chọn giữa việc cho con ti trực tiếp hay vắt sữa hàng ngày đều là ở mẹ.
Mẹ hãy vững tin lên bởi không ai hiểu con bằng mẹ, và dù làm cách nào đi nữa thì vẫn chung một mục đích là trao cho con yêu dòng sữa mẹ ngọt lành đầy dinh dưỡng và chất lượng nhất!
Trả lời