Bắt đầu sang tháng ăn dặm thứ 2 nếu bé ăn từ 6 tháng, những bỡ ngỡ ban đầu chắc mẹ không còn mắc phải, nhưng sẽ chuyển sang trạng thái “đau đầu” vì không biết cho con ăn gì?
Vậy thì tại sao không tham khảo thực đơn ăn dặm cho bé 7 tháng của các mẹ đảm Việt, đem về áp dụng cho con nhà mình – dù mẹ đang theo bất kỳ phương pháp ăn dặm nào nhỉ?

Nội dung chính
1. Thực đơn ăn dặm cho bé 7 tháng theo phương pháp ăn dặm truyền thống
Đặc trưng của phương pháp ăn dặm truyền thống là trong một bát cháo có thể phối hợp các nhóm thức ăn gồm tinh bột – rau củ – đạm lại với nhau.
Ưu điểm lớn nhất khi bé ăn theo phương pháp này là mẹ đỡ phải mất công chế biến riêng biệt từng món một.
Thành phần dinh dưỡng trong 1 bát cháo khá cân bằng và đầy đủ.
Tuy nhiên do trộn lẫn các loại với nhau trong cùng một bát cháo, để bé dễ phân biệt hương vị hơn thì mẹ nên hạn chế tối đa 1 loại tinh bột, 1 loại rau củ, 1 loại đạm mà thôi.
Ngoài ra, nếu 6 tháng tuổi bé nhà mình vẫn còn ăn bột thì sang tháng thứ 7, mẹ nên chuyển qua cháo cho bé tập ăn thô dần, có thể bắt đầu với cháo gạo tấm rồi sang cháo nguyên hạt.
Dưới đây là những món cháo gợi ý cho mẹ:
1.1. Cháo bí đỏ thịt bằm:
- Bí đỏ cắt quân cờ, thịt xay thật nhỏ, gạo vỡ hạt vo sạch
- Cho tất cả vào nồi nấu cháo, thêm nước và hầm nhừ
- Đến bữa ăn thì lấy ra một lượng vừa đủ với bé, khuấy đều trên bếp cho đến sánh mịn
- Bát cháo có màu vàng hấp dẫn, vị ngọt nhẹ của bí đỏ kèm vị ngậy của thịt bằm
1.2. Cháo thịt bò rau ngót
- Rau ngót xay nhuyễn, lọc qua rây để bỏ phần xơ rau, lấy nước cốt
- Thịt bò bằm nhỏ, đảo qua với chút dầu cho thơm rồi thêm nước vào hầm nhừ
- Cho gạo đã ngâm khoảng 1 – 2 tiếng vào ninh cùng thịt bò
- Cuối cùng cho nước cốt rau vào cháo đến độ đặc mong muốn, khuấy đều đến sôi thì tắt bếp
- Có thể bổ sung một thìa cafe dầu ăn dặm cho bé
- Thành phẩm là bát cháo có màu xanh của rau, mùi thịt bò rất thơm và hấp dẫn

Mẹ có thể áp dụng 2 công thức trên cho các món cháo rau thịt hoặc củ thịt khác như:
- Cháo cà rốt ức gà
- Cháo súp lơ thịt bò
- Cháo sườn rau củ
- Cháo bí đỏ tôm: nên giới thiệu vào cuối tháng thứ 7 để bé làm quen với hải sản
2. Thực đơn ăn dặm cho bé 7 tháng theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
Tỷ lệ cháo khi bước sang tháng thứ 3 kể từ khi ăn dặm kiểu Nhật của bé đã tăng lên 1:5, cháo gần như cũng không cần rây kỹ nữa mà chỉ cần nấu mềm.
Các món ăn bé tập làm quen và ăn được cũng nhiều dần hơn, thực đơn không thể chỉ đơn điệu với cà rốt và rau củ nghiền được.
Nếu tuân thủ theo đúng ăn dặm kiểu Nhật, giai đoạn này các mẹ được khuyên thêm đạm hải sản, cụ thể là cá thịt trắng và tôm cho bé.
Ở Việt Nam thì mẹ có thể sử dụng các loại cá nước ngọt như cá trắm, cá chép… dễ kiếm mà nhiều dinh dưỡng.
Mẹ nhớ tuyệt đối không nêm thêm gia vị cho bé, nhưng có thể tạo vị ngọt, mặn tự nhiên bằng cách:
- Vị ngọt: hầm nước dashi gồm các loại củ như cà rốt, su hào, hành tây…
- Vị mặn: sử dụng nước hầm từ tảo bẹ hoặc một số loại rong biển khô
Lúc này thành phẩm cháo và các món khác của con đều có độ lợn cợn nhất định để con tập ăn thô, mẹ nhớ đừng nghiền quá mịn nhé.
Mỗi ngày có thể lên thực đơn cho con khoảng 2 – 3 món khác nhau.
Có thể đổi tinh bột từ cháo sang mì, nui, yến mạch… những loại phù hợp với tháng tuổi của bé.

Thực đơn tham khảo:
- Cháo đậu lăng, củ cải trộn khoai tây kết hợp thêm trà hoa quả cho bé tập uống nước
- Cháo đậu xanh rau ngót, ruốc tôm
- Cháo yến mạch, cá chép sốt cà chua
- Cháo kê trứng gà, súp lơ trộn sốt khoai tây, uống kèm trà lúa mạch
- Bún riêu cua: phải theo dõi dị ứng ở trẻ
- Nui rau củ quả kèm sốt phô mai
Món ăn kèm hoặc ăn bữa phụ:
- Hoa quả: chọn trái cây đúng mùa, độ ngọt vừa phải như đu đủ, nho bỏ hạt, cam cắt miếng…
- Bánh flan sữa công thức, sinh tố hoa quả mix vị
- Bánh ăn dặm ngũ cốc
3. Thực đơn ăn dặm cho bé 7 tháng theo phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy (BLW)
Từ những bữa đầu của bé ăn dặm theo phương pháp BLW thì đã được giới thiệu đạm, nên vẫn tiếp tục duy trì ở tháng này.
- Các loại thịt như thịt bò, thịt lợn nên thái thanh dài, tẩm qua bột năng rồi hấp để được mềm hơn
- Cá: lấy phần lườn, gỡ xương để được nguyên miếng, áp chảo hoặc chiên với ít dầu để có vị thơm hơn
- Tôm: luộc bóc vỏ hoặc sốt với chút phô mai
Các loại rau củ thái thanh dài, có thể thái bằng dao lượn sóng để bé dễ cầm nắm hơn.
Thêm các loại có vị mạnh như mướp đắng, ớt chuông, ngô bao tử… để bé không bị kén chọn.
Cơm nắm nên trộn thêm gia vị rắc cơm hoặc với chút vừng cho mùi vị hấp dẫn hơn.
Kỹ năng bé cần học trong giai đoạn này:
- Cầm nắm: bé có thể cầm lên đúng món mình muốn ăn và cho vào miệng
- Nhai nhả: phát triển kỹ năng nhai nhưng do chưa biết nuốt nên bé có thể sẽ cắn – nhai – rồi nhả bã. Bố mẹ đừng sốt ruột nhé
Thực đơn tham khảo:




4. Những điều cần lưu ý khi lên thực đơn ăn dặm cho bé 7 tháng
Phần bên trên đã gợi ý cho mẹ các món ăn dễ làm mà hấp dẫn để bổ sung vào thực đơn cho bé 7 tháng.
Tuy nhiên, dưới đây là những lưu ý mà mẹ cần biết về lượng ăn cũng như thông tin khác vào tháng ăn dặm này:
- Đảm bảo lượng sữa từ 700 – 800ml/ngày: nếu ít hơn và trẻ ăn dặm nhiều, hãy duy trì còn 1 bữa ăn 1 ngày hoặc tạm dừng ăn dặm
- Có thể có bé đã quen, nhưng có bé vẫn chưa hứng thú hoàn toàn với ăn dặm, bố mẹ phải hết sức kiên nhẫn giới thiệu các món ăn với con, chịu khó đổi thực đơn thường xuyên
- Ngoài sữa mẹ và ăn dặm, nếu không có khuyến cáo của bác sĩ, không nên tự ý bổ sung các vitamin và khoáng chất cho con. Nếu ăn dặm đủ các nhóm thực phẩm, bé không sợ thiếu chất gì cả.
- Ngoài 6 tháng đầu ra, cân nặng của bé sẽ tăng chậm hơn, chỉ khoảng 300 – 500g/tháng. Mẹ nên theo dõi qua các chỉ số khác như chiều cao, vòng đầu, vòng bụng để đánh giá mức độ phát triển của con.
- Sử dụng thêm biểu đồ theo dõi, nếu chỉ số của bé thuộc vùng cảnh báo thì nên đi khám bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn thực đơn ăn dặm phù hợp hơn với con.
Vậy là xét về cơ bản, thực đơn ăn dặm cho bé 7 tháng không thay đổi quá nhiều so với bé 6 tháng, mẹ chỉ cần lưu ý về vấn đề bổ sung đạm và duy trì lượng sữa ổn định.
Chúc bé của mẹ ăn ngon, ngủ tốt và phát triển đều các chỉ số nhé!
Trả lời