Giữa hàng loạt lời khuyên khi bé đến tuổi ăn dặm, bậc làm cha làm mẹ có khi vẫn rất đau đầu lựa chọn phương pháp phù hợp cho bé nhà mình.
Mời cha mẹ hãy đọc bài viết sau để hiểu rõ hơn về phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cho bé 6 tháng kèm theo lợi ích và hướng dẫn cách áp dụng thật chi tiết nha!

Nội dung chính
1. Nguồn gốc của ăn dặm kiểu nhật
Theo đúng cái tên, ăn dặm kiểu Nhật xuất phát từ đất nước Nhật Bản – một nước có nền khoa học và công nghệ vô cùng phát triển.
Thế nên chế độ ăn dặm kiểu Nhật rất chú trọng trong việc phát triển các kỹ năng cho bé, ngoài ra thì thực đơn rất đa dạng, bé được thưởng thức nhiều món khác nhau mà vẫn giữ nguyên hương vị và bảo toàn dinh dưỡng từ thực phẩm.
Sau khi du nhập vào Việt Nam, các mẹ Việt khéo léo đã điều chỉnh một số nhóm thực phẩm, một vài cách chế biến sao cho phù hợp khẩu vị người Việt hơn, nhưng vẫn đảm bảo các nguyên lý bắt buộc:
- Giới thiệu các món ăn riêng biệt và theo từng giai đoạn cho bé
- Thời gian làm quen các món tuần tự, không quá nhanh để tiện theo dõi bé
- Không sử dụng gia vị, tất cả độ ngọt, mặn từ thực phẩm được giữ nguyên
- Không sử dụng nước hầm xương mà thay bằng nước hầm rau củ quả
- Tăng dần cho bé từ loãng đến đặc, chuyển từ thô sang mịn đúng thời điểm
- Có sự luyện tập các kỹ năng nhai, cắn nhỏ, nghiền nát, dùng thìa, dùng bình uống nước cho bé
- Tôn trọng quyền ăn của con, không ép, không ăn rong, không ti vi, điện thoại
2. Những lợi thế khi áp dụng ăn dặm kiểu Nhật cho bé 6 tháng
So với các phương pháp ăn dặm hay được áp dụng như phương pháp ăn dặm truyền thống, phương pháp tự chỉ huy…, những lợi thế khi bé 6 tháng ăn dặm kiểu Nhật là khá nổi trội nên nhiều bố mẹ chọn cho con:
- Bé nhận biết tốt mùi vị từng món ăn riêng biệt, không bị kén ăn mà bố mẹ cũng nắm được thức ăn con dị ứng, con ăn nhiều hoặc con ăn ít
- Lượng ăn của bé được tăng dần dần cho dạ dày làm quen, lượng sữa vẫn được đảm bảo
- Bé sẽ được làm quen với ăn thô, tránh tình trạng ăn ngậm hoặc ăn miếng to là nôn ọe ở trẻ

- Bữa ăn đa dạng nên dinh dưỡng cũng được cân bằng, những chất khoáng và vitamin gần như được giữ trọn vẹn
- Chế độ nấu đơn giản, mẹ có thể nấu một lần chia nhiều bữa, trữ đông và hâm nóng lại khi bé ăn
- Rèn luyện cho bé thói quen ăn uống tốt, biết lựa chọn theo nhu cầu, ăn đủ lượng cần thiết, sau dần sẽ đạt được ăn chủ động – con khỏe, mẹ nhàn
3. Thực hành ăn dặm kiểu Nhật
Nhiều lợi ích như thế, nhưng để bắt đầu ăn dặm kiểu Nhật không hề khó, bố mẹ có thể tham khảo trình tự sau:
3.1. Thời gian phù hợp nhất để bắt đầu
Thời điểm bắt đầu giới thiệu ăn dặm kiểu Nhật với bé tối thiểu là khi bé được 5,5 tháng, không nên sớm hơn vì sẽ ảnh hưởng hệ tiêu hóa của bé.
Tuy nhiên, nếu bố mẹ thấy bé nhà mình chưa sẵn sàng ví dụ vẫn chưa thể ngồi vững hoặc chưa có hứng thú với đồ ăn khác ngoài sữa thì có thể trì hoãn lại cho đến khi bé tròn 6 tháng.
3.2. Cần chuẩn bị những gì?
- Ghế ăn dặm: cần thiết để tạo thói quen ăn khoa học và lành mạnh cho bé
- Bộ dụng cụ sơ chế đồ ăn dặm kiểu Nhật: rây, lọc, bàn mài, chày nghiền nhỏ… nên mua riêng và chọn chất liệu tốt
- Khay thức ăn hoặc bát đựng, thìa: ưu tiên bằng nhựa thực phẩm, an toàn cho trẻ nhỏ
- Cốc tập uống, đũa tập ăn: mua dần trong những tháng tiếp theo
- Hộp nhỏ để trữ đông đồ ăn
3.3. Cách lựa chọn và chế biến thực phẩm theo từng giai đoạn
2 – 3 ngày đầu tiên:
Xác định đây là giai đoạn đầu tiên để bé chuyển từ sữa sang ăn dặm nên mẹ phải tiến hành từ từ và đừng nản lòng khi con từ chối trong những cữ đầu tiên.
Mẹ nên bắt đầu với cháo rây, với cách chế biến siêu đơn giản:
- Tỷ lệ 1 gạo: 10 nước, nấu chín thành cháo
- Cho qua rây, nghiền mịn
- Có thể thêm nước vào để đạt độ sánh chỉ hơn sữa mẹ một chút

Những ngày đầu, mẹ nên sắp xếp bữa ăn sau bữa sữa 2 tiếng để bé có độ đói vừa phải, hứng thú tìm hiểu thức ăn mới.
Trong quá trình cho bé nếm cháo rây, có thể trò chuyện cùng con, giới thiệu món ăn nhưng không ép bé.
Dù lượng ăn đầu tiên có thể là vài thìa thì mẹ cũng đừng lo lắng, sau khi bé dừng ăn, mẹ có thể bù sữa cho con.
1 tuần tiếp theo:
Qua khoảng 2 – 3 ngày đầu tiên, mẹ có thể bổ sung từ từ một vài loại rau củ cho con dưới dạng:
- Thái nhỏ và hấp chín củ
- Nghiền nhuyễn, mịn
- Trộn thêm sữa mẹ hoặc nước rau củ đến độ sệt vừa phải
Ưu tiên các củ có nguồn gốc rõ ràng, nhà tự trồng hoặc mua rau củ hữu cơ, một số loại như: cà rốt, bí đỏ, khoai lang, khoai tây.
Chú ý là mỗi cữ ăn nên giới thiệu 1 loại duy nhất, kèm 1 chén cháo rây, lượng ăn phụ thuộc vào bé, duy trì khoảng 2 – 3 ngày mới đổi sang món mới.
Tuần kế tiếp – khi bé tròn 6 tháng tuổi:
Nếu mẹ giới thiệu phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cho bé từ giai đoạn sớm thì đến khi 6 tháng tuổi, có thể thêm hoa quả vào bữa phụ dưới dạng:
- Xay nhuyễn cùng sữa mẹ
- Cắt thành thanh cho bé tập cầm nắm: nếu muốn bé học dần kỹ năng
Ngoài ra thì vẫn duy trì một cữ ăn dặm như trên, thêm một vài loại rau ăn lá như cải bó xôi, rau chân vịt, mùng tơi, mướp…
Tất cả phải luộc chín, xay nhỏ, lọc bỏ xơ để bé ăn được dễ hơn.

Thêm vào đó, mẹ có thể tiến hành hầm rau củ quả để có nước dùng dashi – tạo vị ngọt thanh tự nhiên cho món cháo của bé.
Nếu mẹ muốn giới thiệu thêm đạm, nên đợi đến nửa sau hoặc cuối tháng thứ 6, bắt đầu bằng những loại đạm ít gây dị ứng như thịt nạc, ức gà, lòng đỏ trứng, đậu phụ…
Vẫn giữ nguyên quy tắc không nêm thêm gia vị cho đến khi ít nhất bé được 1 tuổi.
4. Hướng dẫn xử lý các tình huống trong ăn dặm kiểu Nhật cho bé 6 tháng
Bé từ chối món ăn:
Một vài món mới khiến bé chưa quen sẽ từ chối, lúc này đừng cố ép bé ăn.
Trong 1 cữ ăn, có thể giới thiệu lại món này với bé khoảng 2 lần, nếu bé tiếp tục từ chối thì dừng lại.
Khoảng 2 – 3 ngày sau lại mời lại bé, nếu chưa được thì lặp lại quy trình trên.
Bé bị dị ứng:
Nếu bố mẹ có tiền sử dị ứng ăn uống thì nên thận trọng khi giới thiệu những món ăn này đến con.
Ngày đầu tiên thêm món, hãy cho bé ăn thử một lượng nhỏ và theo dõi.
Xuất hiện dấu hiệu dị ứng, dừng ngay và tối thiểu 2 tuần sau mới thử cho ăn lại.
Bé đi phân sống:
Chuyển từ sữa mẹ sang ăn dặm, hệ tiêu hóa của bé có thể chưa quen và đào thải trực tiếp thức ăn ra ngoài, đúng kiểu “ăn gì ra nấy” hay còn gọi là “phân sống”.
Mẹ không nên lo lắng vì đây là phản ứng bình thường của cơ thể, tiếp tục cho con ăn theo nhu cầu, miễn không bị giảm lượng sữa.

Nhưng nếu ở bé xuất hiện thêm các triệu chứng như tiêu chảy, táo bón, biếng ăn… thì có thể xin tư vấn bác sĩ và tạm dừng ăn dặm nếu có khuyến cáo.
Những thông tin cơ bản và quan trọng nhất về ăn dặm kiểu Nhật cho bé 6 tháng đã được tóm lược qua bài viết trên.
Mong rằng sẽ cung cấp thêm một sự lựa chọn cho bố mẹ trong việc quyết định ăn dặm cho con.
Trả lời