Nếu ngoài sữa tươi thì sữa đậu nành là món sữa phổ biến thứ 2 với người Việt.
Nhưng nếu hương vị sữa đậu ở những bịch đóng sẵn chưa thỏa mãn được vị giác của bạn, hay bạn vẫn băn khoăn về độ sạch của những túi nước đậu ngoài chợ, thì tại sao không thử ngay cách làm sữa đậu nành bằng máy làm sữa hạt siêu siêu đơn giản dưới đây nhỉ?
Nội dung chính
1. 5 lợi ích hàng đầu của việc uống sữa đậu nành
Sữa đậu nành mát và dễ hấp thụ hơn sữa tươi nhờ nguồn gốc thuần thực vật thì ai cũng biết, nhưng loại sữa này tốt đến mức nào thì không phải người nào cũng rành.
Liệt kê sơ sơ vài lợi ích khi bạn uống sữa đậu nành vừa đủ, duy trì đều đặn hàng ngày thì có:
- Giúp giảm cân: các mẹ đang lo lắng về cân nặng chắc thích lợi ích này lắm, vì với cùng một thể tích sữa, lượng kcal trong sữa đậu nành chỉ bằng 1 nửa so với sữa tươi, cực hợp cho các khẩu phần cắt giảm calo
- Chống loãng xương: phytoestrogen có trong sữa đậu nành như một cầu nối cho việc hấp thu canxi vào xương, cho cơ thể luôn khỏe mạnh và cường tráng
- Tốt cho sức khỏe phụ nữ: thành phần phytoestrogen kể trên giúp điều hòa nội tiết tố nữ một cách hiệu quả, giảm đi những căng thẳng của phụ nữ vào thời kỳ trước hành kinh hoặc giai đoạn tiền mãn kinh

- Ổn định hệ tim mạch: 20mg isoflavones có trong mỗi 100 ml sữa đậu nành là đủ để ngăn ngừa các mảng bám gây xơ vữa động mạch, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim một cách đáng kể đó.
- Đẹp da: ngoài việc đẹp dáng, một ly sữa đậu nành còn cung cấp các vitamin A, E… – cần thiết duy trì độ ẩm trên da cũng như độ chắc khỏe, bóng mượt của mái tóc
2. 2 cách làm sữa đậu nành bằng máy làm sữa hạt chỉ 20 phút chuẩn heathy
2.1. Sữa đậu nành lá nếp
Nếu như công thức sữa đậu nành truyền thống chỉ đáp ứng độ ngon thì khi thêm 1 – 2 lá nếp vào, bạn sẽ tận hưởng được cả mùi thơm vô cùng hấp dẫn đó.
Chuẩn bị:
- 2 nắm đậu nành nguyên vỏ
- 1 – 2 chiếc lá nếp (lá dứa)
- 1 lít nước lọc
- Chất tạo ngọt: đường phèn/ chà là hoặc có thể bỏ qua nếu bạn đang giảm cân
Cách làm:
- Đậu nành ngâm qua đêm cho mềm, nên thay nước khoảng 1 – 2 lần hoặc ngâm trong tủ lạnh để hạt không bị chua
- Lá nếp rửa sạch, xay nhuyễn, lọc lấy nước
- Sáng hôm sau có thể bỏ vỏ đậu nành hoặc không tùy theo sở thích
- Cho đậu nành đã ngâm cùng nước lá nếp và nước lọc đến lượng mong muốn vào máy làm sữa hạt
- Chọn chế độ “nấu sữa hạt” hoặc “sữa thảo mộc” tùy theo máy

Thành phẩm:
Chỉ chưa đầy 20 phút, bạn sẽ có một cốc sữa đậu nành ấm nóng, màu trắng tinh và có thêm hương thơm lá nếp dịu dịu, có thể thêm chất tạo ngọt vào bước này nếu bạn thích vị đậm đà.
Dùng nóng hay lạnh đều được cả.
2.2. Sữa đậu nành mè đen
Bạn có biết bất kỳ món sữa hạt nào cho thêm mè đen vào đều có độ ngậy béo cực kỳ ấn tượng, sữa đậu nành cũng không phải là một ngoại lệ
Chuẩn bị:
- 100g đậu nành
- 20g mè đen
- 1 lít nước lọc
Cách làm:
- Đậu nành ngâm mềm qua đêm, sau đem hấp chín, có thể dùng chức năng hấp của máy làm sữa hạt
- Mè đen rang chín với lửa nhỏ, cho đến khi tỏa mùi thơm
- Cho đậu nành, mè đen cùng lượng nước lọc phù hợp vào máy, chọn chế độ “sữa hạt nhanh”

Thành phẩm:
Lúc này sữa đậu nành sẽ mất đi màu trắng thường thấy mà chuyển sang màu xám tro nhưng sẽ có độ sánh và uống vào cảm nhận vị ngậy thơm rất rõ ràng. Bạn hoàn toàn có thể thêm đường nếu muốn uống ngọt hơn.
3. Vài lưu ý nhỏ khi sử dụng sữa đậu nành làm từ máy làm sữa hạt:
- Đảm bảo sữa được nấu chín trước khi dùng nhưng không sôi quá lâu, dễ làm mất hết chất dinh dưỡng
- Sữa làm từ máy làm sữa hạt sẽ giữ nguyên phần thịt của hạt, không lọc bỏ bã như xay bằng máy sinh tố, nếu uống không quen thì bạn có thể thêm bước lọc
- Chỉ nên uống 1 – 2 cốc mỗi ngày và vào buổi sáng hoặc trưa, uống nhiều hoặc muộn hơn dễ làm đầy bụng, gây gánh nặng cho hệ tiêu hóa
- Tốt nhất nên uống sữa đậu nành nấu ngay trong ngày
Hoàn toàn không khó để có được những ly sữa hoàn toàn healthy sau khi đọc xong cách làm sữa đậu nành từ máy làm sữa hạt trong bài viết bên trên phải không nào?
Chúc bạn áp dụng thật thành công và cũng bình luận cảm nhận dưới đây nhé!
Trả lời